Bạn có thể không suy nghĩ quá nhiều về cái gọi là niềm vui trong công việc, bởi đối với nhiều người trong chúng ta, niềm vui dường như là thứ hiếm có khó tìm tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 thập kỷ gần đây, rất nhiều công ty có xu hướng tiếp thị bản thân là những nơi làm việc “vui vẻ, cởi mở, năng động”. Bạn thấy từ “vui vẻ” xuất hiện trong các tin tuyển dụng, tài liệu tiếp thị và có lẽ được nói nhiều nhất là trong danh sách các giá trị hoặc hành vi của công ty.
Nguyên nhân là bởi các tổ chức nhận ra rằng hầu hết mọi người đều muốn tận hưởng cuộc sống hàng ngày của họ. Nhiều người muốn có cơ hội để thả lỏng, nạp năng lượng sau công việc và tìm hiểu đồng nghiệp của họ ở mức độ cá nhân hơn.
Vậy vì sao chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến niềm vui nơi công sở và làm cách nào để công ty có thể nuôi dưỡng một nền văn hóa kết hợp niềm vui?
Lợi ích của niềm vui trong công việc
Niềm vui có thể len lỏi vào nhiều môi trường làm việc khác nhau và niềm vui trong công việc, có thể do chính chúng ta tạo ra.
Bởi vì niềm vui vốn có tính xã hội, sức mạnh lan tỏa cao, nên nó làm tăng các mối quan hệ xã hội tại nơi làm việc. Chúng ta có thể tìm kiếm niềm vui từ những sự kiện văn phòng, lễ kỷ niệm, hoạt động gắn kết… Thông qua những sự kiện như vậy, chúng ta có thể tạo và củng cố mối quan hệ với những người mà chúng ta không trực tiếp làm việc cùng. Và khi mọi người đến với nhau trên tinh thần vui vẻ, họ sẽ tương tác nhiều hơn.
Tiếp theo, niềm vui đã được chứng minh là thúc đẩy sự sáng tạo. Trong môi trường kinh doanh, những ý tưởng và bước đột phá mới có thể đến từ sự kết nối xã hội mà các sự kiện tạo ra tiếng cười hay sự sảng khoái có thể mang lại. Ở mức độ nền tảng hơn, nhiều đổi mới quan trọng nhất không đến khi mọi người đắm chìm trong công việc, mà là khi họ tham gia vào một hoạt động nào đó khiến tinh thần của họ thoải mái. Trong cuốn sách “Wonderland: How Play Made the Modern World”, tác giả Steven Johnson đã đưa ra các ví dụ về một số đổi mới quan trọng nhất của thế giới đến từ việc thả lỏng tinh thần. Niềm vui kích thích sự sáng tạo và đổi mới vì nó giúp chúng ta thoát khỏi những khó khăn trong công việc và cho chúng ta không gian để sáng tạo.
Cuối cùng, niềm vui nơi làm việc có thể hoạt động như một cơ chế phục hồi khi gặp khó khăn. Các chuyên gia làm việc trong các ngành nghề áp lực cao như y tá và EMT luôn gắn kết với đồng nghiệp của mình thông qua sự hài hước - đôi khi là sự hài hước đen tối, vui vẻ với những người khác có thể khiến nhân viên gắn bó và sảng khoái hơn.
Bạn có thể làm gì để tạo ra và thúc đẩy niềm vui với tư cách là một nhà lãnh đạo hoặc nhân viên tại công ty của mình?
Đầu tiên, niềm tin là yếu tố quan trọng nhất khi muốn kết hợp niềm vui vào công việc. Thả lỏng và tận hưởng niềm vui khi đang làm việc có thể song hành một số rủi ro cố hữu, bởi theo truyền thống, công việc và vui chơi được coi là đối lập nhau. Tuy nhiên, nếu nhóm của bạn tin tưởng lẫn nhau và cả nhóm tin tưởng trưởng nhóm, họ sẽ cảm thấy an toàn để vui vẻ trong công việc. Vì vậy, trước khi nhảy vào cuộc vui, hãy đảm bảo rằng bạn đã thiết lập một nền tảng vững chắc về niềm tin với những người đồng hành với mình.
Thứ hai, bạn sẽ muốn xem xét góc nhìn của đồng nghiệp của bạn về niềm vui trong công việc. Một số người có thể nghĩ rằng đã làm việc là phải nghiêm túc, sự đùa cợt, hay cười nói khi đang làm việc là không nên. Mỗi người có một quan điểm khác nhau về tinh thần làm việc, vì vậy, trước khi lựa chọn hành động ra sao, hãy học cách quan sát, đôi khi, sự “hài hước” của bạn, có thể là sự “vô duyên”, “thiếu trách nhiệm” trong mắt người khác. “Vui vẻ” có thể là một giá trị tốt tại nơi làm việc, nhưng hãy xem xét liệu nó có đang được kích hoạt theo những cách thực sự thú vị và hòa nhập với mọi người hay không.
Một câu hỏi đơn giản: “Vui vẻ có ý nghĩa gì với bạn và bạn muốn tận hưởng niềm vui tại nơi làm việc như thế nào?” có thể là một gợi ý giúp bạn hiểu nhóm mình thích điều gì hơn.
Cuối cùng, hãy nhất quán và gắn bó với các giá trị của công ty. Mỗi một công ty có một văn hóa và tác phong làm việc khá nhau, hãy chắc chắn rằng bạn đang đi theo văn hóa đó. Ví dụ: tại BetterUp, họ đánh giá cao niềm say mê và sự vui tươi của nhân viên. Họ tin rằng những ý tưởng tuyệt vời đến từ sức khỏe và hạnh phúc. Vì vậy, không có gì lạ khi họ kết hợp những câu chuyện hài hước, trò đùa vui vẻ, đôi khi là một chút gì đó khá ngốc nghếch vào các cuộc họp hàng ngày của mình để thêm gia vị, nhưng điều đó cũng có nghĩa là các nhân viên cũng cần có một góc nhìn mới cởi mở hơn trong cách tiếp cận của mình. Tuy nhiên, nếu công ty của bạn có nhiều giá trị truyền thống hơn hoặc chủ đề của cuộc họp cần sự nghiêm túc 100%, vậy thì đừng cố gắng đưa nó vào cuộc chơi. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là không có chỗ cho niềm vui, chỉ là nó có thể cần phải ở một định dạng khác, ở những dịp khác.
Bạn thấy đấy, ai cũng có quyền chọn cho mình một tinh thần làm việc, một môi trường làm việc hợp với giá trị quan của bản thân. Hầu hết chúng ta đều nhắc tới công việc như một phương tiện để kiếm sống, chúng ta hiếm khi coi nó là một khía cạnh hiển nhiên của cuộc sống, đó là lý do vì sao có nhiều người trẻ nhảy việc, chán nản với công việc của mình tới như vậy. Sống ra sao, làm việc thế nào hoàn toàn do bạn chọn lựa, thay vì đi làm hàng ngày với sự chán nản, hãy tìm cách đưa thêm niềm vui vào trong công việc hàng ngày của mình. Buồn cũng là một ngày, vui cũng là một ngày, vậy tại sao không chọn vế thứ hai và khiến cuộc sống công sở của mình phong phú hơn!
(Nguồn: BetterUp)