Những nhà lãnh đạo giỏi không tìm cách tuyển dụng một người thông minh, có tính cạnh tranh, biết tuốt, luôn cố gắng vượt trội hơn tất cả mọi người.
Bất cứ khi nào ai đó xin tôi lời khuyên về việc tuyển dụng, tôi luôn chia sẻ với họ câu nói khôn ngoan của Steve Jobs: "Thật vô nghĩa khi thuê những người thông minh và bảo họ phải làm gì. Chúng tôi thuê những người thông minh để họ có thể cho chúng tôi biết phải làm gì."
Qua nhiều năm phỏng vấn và tuyển dụng, tôi nhận thấy rằng có quá nhiều ứng viên luôn cố gắng tỏ ra mình là "thiên tài", người có thể trả lời hết tất cả mọi câu hỏi. Nhưng điều họ không hiểu là những nhà lãnh đạo giỏi không tìm cách tuyển dụng một người thông minh, có tính cạnh tranh, biết tuốt, luôn cố gắng vượt trội hơn tất cả mọi người.
Sau nhiều năm làm việc tại các tập đoàn lớn, và thậm chí là thành lập công ty nước giải khát thành công, Hint - tôi luôn cố gắng khiêm tốn về những gì mình không biết và kết bạn với những người hiểu biết hơn tôi.
Vì vậy, khi bàn về việc phát triển công ty của mình, tôi không bao giờ thuê ứng viên được coi là "người thông minh nhất trong phòng". Tại sao? Bởi lẽ một người không quan tâm đến việc dành thời gian cho những người thông minh hơn họ sẽ không giúp họ (hoặc nhóm của họ) làm việc tốt hơn.
Đừng để cái tôi của bạn cản trở thành công
Theo James Flynn, tác giả cuốn "Does Family Make You Smarter?", đồng thời là Giáo sư danh dự tại Khoa Tâm lý học của Đại học Otago, mọi người có thể "nâng cấp" trí thông minh của mình bằng cách kết giao với những người thông minh khác, chẳng hạn như đồng nghiệp, bạn bè hay các thành viên khác trong gia đình.
Nếu bạn để cái tôi của mình cản trở, bạn sẽ dễ bỏ qua ý tưởng của người khác. Với tư cách là một nhà lãnh đạo, tôi đánh giá cao những người có kỹ năng phân công nhiệm vụ tốt. Những người nghĩ rằng không ai có thể hoàn thành công việc tốt như họ thường gặp khó khăn trong việc giao việc cho người khác.
Nhận ra những kỹ năng bạn không có
Nếu bạn muốn thành công trong sự nghiệp (và trong cuộc sống), bạn phải luôn tự nhận thức được điểm yếu của mình.
Ví dụ, nếu bạn đang trong một cuộc họp, hãy tự hỏi: Tôi có biết câu trả lời cho chủ đề này không? Tại sao trong khi tôi cảm thấy mình đang phải vật lộn để hiểu vấn đề, thì người khác lại có thể làm mọi việc hiệu quả hơn?
Có một lý do khiến tôi thích làm việc với những người không có suy nghĩ giống mình: Tìm kiếm những ý tưởng và ý kiến khác nhau đã giúp tôi và công ty của tôi phát triển.
Tìm những người cố vấn có những kỹ năng mà bạn không có
Khi bạn đã xác định được những lĩnh vực mà bạn thiếu kiến thức, hãy tìm tới những người có nhiều kinh nghiệm hơn trong những lĩnh vực đó.
Ví dụ: bạn có thể tham dự các hội nghị trong lĩnh vực bạn chọn một cách thường xuyên hơn và cố gắng tạo nên một mạng lưới quan hệ. Đó cũng có thể là một nhân vật cấp cao hơn tại công ty của bạn, mời họ đi ăn trưa, và trò chuyện về những gì họ làm hay chuyên môn mà họ giỏi.
LinkedIn là một nguồn tuyệt vời khác để tìm kiếm và tiếp cận với những người cố vấn. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi sự nhiệt tình, luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức của mọi người và nó sẽ giúp bạn lấp đầy những lỗ hổng cũng như giải quyết những thách thức mà bạn đang tìm cách giải quyết.
Tác giả của bài viết là Kara Goldin, người sáng lập và CEO của Hint, một thương hiệu nước được thêm một số hương vị hoa quả. Cô cũng là host của podcast "Unstoppable", nơi cô phỏng vấn các doanh nhân truyền cảm hứng.