Định nghĩa về Backup
Backup còn có tên gọi khác bản sao lưu hoặc sao lưu dữ liệu là một bản sao dữ liệu được lấy từ máy tính, máy chủ (server)… hay bất cứ thiết bị nào có khả năng nhớ và lưu trữ để làm dữ liệu dự phòng và khôi phục lại dữ liệu gốc khi xảy ra sự cố mất dữ liệu.
Bản sao lưu có thể được sử dụng để khôi phục dữ liệu sau khi mất dữ liệu do xóa hoặc hỏng dữ liệu, hoặc để khôi phục dữ liệu từ một thời điểm trước đó. Bản sao lưu cung cấp một hình thức khôi phục đơn giản; tuy nhiên không phải tất cả các hình thức sao lưu đều có thể khôi phục lại dữ liệu trên hệ thống máy tính hoặc các loại hệ thống có cấu hình phức tạp khác như cụm máy tính, work folders server hoặc database server.
Tại sao Backup dữ liệu lại quan trọng?
Mục đích của việc sao lưu là tạo ra một bản sao dữ liệu có thể được khôi phục trong trường hợp dữ liệu chính bị lỗi.
Việc sao lưu dữ liệu cá nhân trên laptop hay điện thoại cũng nên được quan tâm. Rất nhiều lí do dẫn đến việc lỗi dữ liệu có thể được kể đến như: Lỗi phần cứng hoặc phần mềm, dữ liệu có thể bị hỏng hoặc do con người gây ra (ví dụ như do tấn công mạng hoặc do người dùng vô tình xóa đi dữ liệu). Các bản sao lưu cho phép dữ liệu được khôi phục từ một thời điểm trước đó để giúp phục hồi lại dữ liệu ban đầu sau sự cố.
Đối với doanh nghiệp, việc sao lưu dữ liệu là một việc làm rất cần thiết và quan trọng!
Hiện nay, hệ thống máy chủ của các doanh nghiệp là minh họa thực tế để trả lời cho câu hỏi “Tại sao backup dữ liệu lại quan trọng?”. Các máy chủ trong doanh nghiệp chính là nơi tổng hợp vô số các loại dữ liệu quan trọng và bảo mật. Chỉ cần một sự cố như ổ cứng máy chủ hỏng hay phức tạp hơn là cuộc tấn công Ransomware sẽ khiến dữ liệu bị mất, bị mã hóa bởi virus từ đó doanh nghiệp có nguy mất toàn bộ dữ liệu. Biện pháp duy nhất để có thể cứu vãn chính là khôi phục lại nguồn dữ liệu đã sao lưu trước đó.
Một lưu ý quan trọng đó là việc sao lưu dữ liệu nên được thực hiện thường xuyên, không nên để thời gian sao lưu quá dài.
Có bao nhiêu dạng Backup?
Có ba loại sao lưu chủ yếu: Sao lưu toàn bộ (Full Backup), sao lưu phân biệt (Differential Backup) và sao lưu gia tăng (Incremental Backup).
Sao lưu toàn bộ (Full Backup)
Full Backup là hình thức sao lưu đơn giản và dễ hiểu nhất. Full backup về cơ bản là tạo bản sao lưu mọi thứ bạn muốn và được bảo vệ mọi lúc. Ưu điểm của nó là dễ dàng phục hồi lại toàn bộ dữ liệu khi cần, có tính an toàn cao. Tuy nhiên, thời gian backup rất lâu, dữ liệu càng lớn thì backup càng lâu, làm tốn bộ lưu trữ và chi phí đầu tư.
Sao lưu vi sai (Differential Backup)
Sao lưu vi sai là sao lưu những gì thay đổi so với lần sao lưu đầy đủ gần nhất. Dạng sao lưu vi sai giúp tiết kiệm thời gian hơn, cũng ít chiếm nhiều dung lượng lưu trữ. Nhược điểm của dạng sao lưu này là sử dụng khá nhiều băng thông. Khi cần khôi phục dữ liệu thì phải có đầy đủ 2 bản sao lưu gần nhất và sao lưu khác biệt.
Sao lưu gia tăng (Incremental Backup)
Dạng sao lưu này yêu cầu ít nhất phải có một bản sao lưu đầy đủ được thực hiện. Sau đó, chỉ có những dữ liệu đã thay đổi từ lần sao lưu đầy đủ cuối cùng sẽ được sao lưu lại. Sao lưu gia tăng không mất quá nhiều thời gian và không gian so với hai dạng trước. Nhược điểm của sao lưu đầy đủ chính là thời gian khôi phục lâu. Không thể hoàn toàn khôi phục lại dữ liệu nếu một trong các bản sao lưu gia tăng bị thiếu hoặc hỏng.
Các giải pháp sao lưu dữ liệu
Sử dụng USB
Ổ USB rẻ và dễ sử dụng. Ổ USB cũng có nhiều kích thước khác nhau, tiện lợi để mang theo đi làm hàng ngày. Nếu bạn có nhiều tệp cần lưu trữ, bạn có thể mua tệp có dung lượng lưu trữ lớn hơn như 256 GB.
Do USB cũng có kích thước nhỏ nên rất dễ bị mất. Chúng cũng dễ bị hư hỏng vật lý và lây nhiễm phần mềm độc hại. Mặc dù tốt cho việc lưu trữ và truyền dữ liệu trong thời gian ngắn, nhưng thẻ USB có lẽ không phải là gói sao lưu dài hạn duy nhất của bạn.
Lưu trữ trên CD hoặc DVD
Chỉ cần đưa ổ đĩa vào máy tính và tạo một bản sao của tất cả các tệp muốn lưu. Có thể cất giữ ổ đĩa ở vị trí nào bạn muốn. Tuy nhiên, cách lưu trữ này đã rất cũ, ổ đĩa dễ bị hỏng. Phương pháp sao lưu cũng rất chậm do công nghệ cũ. Quan trọng nhất, ngày nay rất nhiều máy tính thậm chí không có ổ đĩa quang.
Sử dụng ổ cứng ngoài
Ổ cứng ngoài nhanh hơn rất nhiều so với USB và ổ CD. Chúng vẫn có thể di chuyển được, đồng thời cứng hơn rất nhiều so với bất kỳ tùy chọn nào trong số đó. Quan trọng nhất, chúng đi kèm với nhiều không gian lưu trữ hơn.
Ổ cứng gắn ngoài có thể được cắm vào và tháo ra khỏi bất kỳ thiết bị nào bạn chọn. Những loại ổ cứng mới nhất thậm chí còn đi kèm với cổng USB 3.0 để truyền dữ liệu nhanh hơn.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ thiết bị lưu trữ vật lý nào khác, ổ cứng gắn ngoài có nguy cơ bị hỏng và giá cả khá đắt.
Dịch vụ lưu trữ đám mây
Dịch vụ lưu trữ đám mây cho phép các cá nhân, doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu và các tập tin máy tính trên Internet bằng cách tìm một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ uy tín, thay vì lưu trữ cục bộ trên USB, đĩa CD/DVD hay ổ cứng máy tính.
Đầu tư vào lưu trữ đám mây là một trong những cách tốt nhất để sao lưu dữ liệu. Một dịch vụ lưu trữ đám mây tốt, chẳng hạn như Google Drive hoặc Dropbox, sẽ đi kèm với hệ thống quản lý tệp riêng để truy cập đơn giản hơn, cũng như mã hóa tốt để giữ cho dữ liệu của bạn tránh xa các bên thứ ba.
Đăng ký dịch vụ lưu trữ
Dịch vụ lưu trữ đám mây trực tuyến là dịch vụ do một tổ chức cung cấp cho khách hàng, nơi họ có thể lưu trữ dữ liệu của mình một cách an toàn trên máy chủ để truy cập sau bất cứ lúc nào và ở mọi nơi thông qua internet.
Dịch vụ lưu trữ dữ liệu hiện nay rất phổ biến và có vô số dịch vụ sao lưu trực tuyến đám mây có sẵn. Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn về khả năng truy cập và bảo mật an toàn. Khi chọn lựa dịch vụ lưu trữ dữ liệu, điều quan trọng là bạn phải đánh giá tầm quan trọng dữ liệu mà bạn muốn lưu trữ. Sau đó chọn nhà cung cấp dịch vụ uy tín.
Nguồn tham khảo:
1. Welivesecurity.com: Six ways to backup your data
2. Spanning.com: Types of Backup: Understanding Full, Differential, and Incremental Backup